Báo Giáo dục thời đại: Ly hôn hay ở lại?

GD&TĐ – Có nhiều cuộc hôn nhân đang đứng bên bờ vực thẳm chỉ vì người trong cuộc thiếu kinh nghiệm tổ chức cuộc sống chung và để cái tôi cá nhận quá lớn, lấn át cả lý trí. Các chuyên gia khuyên rằng, trước khi đi đến quyết định kết thúc sự ràng buộc các cặp vợ chồng hãy cân nhắc cho kỹ. Con thuyền hôn nhân nào cũng phải vượt qua bão tố, lốc xoáy hoặc sóng ngầm… hãy sáng suốt và dũng cảm thay đổi để vững tay chèo tìm tới bến bờ bình yên …

Cạn giấc mơ hạnh phúc?

Vợ chồng chị Kim Anh (phố Lê Trọng Tấn – Hà Nội) rơi vào tình trạng khủng hoảng hôn nhân đã mấy năm nay. Nhìn bề ngoài thì họ đang có một gia đình tương đối đầy đủ. Anh là trưởng khoa một bệnh viện có tiếng trong thành phố. Chị là hiệu phó một trường THPT. Họ có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ và đều chăm chỉ học hành. Điều kiện kinh tế ổn định họ có nhà riêng và một căn nhà cho thuê.

Những đứa con của họ trong hoàn cảnh bố mẹ bất hòa, mâu thuẫn cũng mất dần tình cảm với bố. Chúng sợ và ghét bố.
Những đứa con của họ trong hoàn cảnh bố mẹ bất hòa, mâu thuẫn cũng mất dần tình cảm với bố. Chúng sợ và ghét bố.

Tại chương trình tọa đàm về vấn đề “Ly hôn hay ở lại” tại Hà Nội, chị Kim Anh giãi bày nỗi khổ tâm của mình: Thoạt nhìn thì ai cũng tưởng gia đình tôi đủ đầy hạnh phúc. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc mày ngang mũi dọc thế nào? Chồng tôi chỉ quan tâm đầu tư cho sự thăng tiến của bản thân, không coi trọng gia đình và rất thiếu tôn trọng vợ con… 5 năm nay anh ấy không đưa tiền cho tôi lo chuyện sinh hoạt và chuyện học hành của con cái. Mình tôi phải xoay xở tứ bề. Thế nhưng hễ ức chế chuyện cơ quan hay không bằng lòng điều gì là anh tức giận chửi mắng vợ con rất cục cằn, thô lỗ. Con cái học hành mà kết quả không như ý hoặc mắc lỗi chuyện gì là anh ấy đổ lỗi cho vợ ngu dốt, không biết dạy con. Không chỉ vậy, lâu nay anh ấy còn ngoại tình và bỏ rơi vợ.

Những đứa con của họ trong hoàn cảnh bố mẹ bất hòa, mâu thuẫn cũng mất dần tình cảm với bố. Chúng sợ và ghét bố. Chúng cãi lại mỗi khi bị bố dạy dỗ, giáo huấn. Tất cả thái độ né tránh của những đứa con càng làm những người cha tức giận và đổ lỗi quy tội thêm cho những người vợ.

Ly hôn hay cứ vậy mà sống để giữ lấy một cái gia đình hình thức cho các con? Tôi đứng giữa ngã ba cuộc đời của mình khi đã nhiều đêm mất ngủ, đau khổ và dằn vặt trước hàng trăm câu hỏi mong sắp xếp lại cuộc sống của gia đình. Tôi đã cố gắng tìm nhiều cách để tác động đến chồng nhưng hoàn toàn bất lực và thất vọng. Cảm xúc chai sạn và sức chịu đựng bị mài mòn.

Chấp nhận người, thay đổi mình

Rất nhiều cặp vợ chồng khi chung sống với nhau không thể bao dung, nhún nhường và đủ khôn khéo để hóa giải những mâu thuẫn trong hôn nhân. Họ chỉ biết giải thoát cho bản thân bằng cách ly hôn. Nhưng có một điểm rất quan trọng là, người vĩnh viễn không được giải thoát chính là những đứa trẻ. Khi gia đình tan vỡ, những đứa con sẽ mất niềm tin vào bản thân và người sinh thành và cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Nếu thiếu vắng hơi ấm của mẹ hay sự bảo ban của cha, trẻ rất khó có được một nhân cách hoàn thiện. Vết thương trong tâm hồn chúng thường khó có thể hồi phục trong suốt cả cuộc đời sau này.

Con người có nhãn quang có thể nhìn thấy người khác, nhưng khó nhìn thấy bản thân mình.
Con người có nhãn quang có thể nhìn thấy người khác, nhưng khó nhìn thấy bản thân mình.

Phân tích về thực trạng này, diễn giả Trần Ban Hùng, chuyên gia tư vấn PSR Fairtrade Việt Nam và chuyên gia về quyền trẻ em, đưa ra quan điểm: Khi hôn nhân rạn nứt, hai người trong cuộc cần nhìn lại giá trị của gia đình, của yêu thương, của sự chia sẻ và của cả sự tự do và độc lập. Hơn tất cả bạn hãy nghĩ về những đứa trẻ mà chúng ta đã bao mong ước và chờ đón sự ra đời của chúng.

Không ai cưới mà định sẵn ly hôn cả. Chúng ta đang sống trong một xã hội thương mại, sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ thay vì sửa chữa nó, và đem cách hành xử này với cả mối quan hệ quý giá của mình. Các cặp vợ chồng hãy chậm lại một chút trước khi đặt bút ký đơn ly hôn và đưa nhau ra tòa, thì có lẽ sẽ nhận ra nhiều điều có giá trị thực với mình hơn, để sau này không còn phải nuối tiếc..

Con người có nhãn quang có thể nhìn thấy người khác, nhưng khó nhìn thấy bản thân mình. Bạn đời là chiếc gương giúp ta nhận ra bản thân mình rõ nhất. Vì vậy hãy bớt đi phần phẫn nộ mà hãy cảm kích nhau nhiều hơn. Hôn nhân khủng hoảng bởi chúng ta không muốn biến mình trở thành một người hoàn thiện mà lại dồn nỗ lực để thay đổi người ấy cho phù hợp với lý tưởng của mình.

Học cách yêu và cho

Chuyên gia tư vấn tâm lý tình yêu, hôn nhân và gia đình Vera Hà Anh – Giám đốc Học viện Vera Hà Anh phân tích: 60% các cuộc hôn nhân rơi rụng trong 5 năm đầu tiên. Đây là giai đoạn vợ chồng hay tranh cãi nhiều nhất vì rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực. Ai là người có quyền nói và ai phải nghe? Phụ nữ thường không thắng cho dù chiến đấu rất hăng.

Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh
Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh

Chị Hà Anh chia sẻ: Muốn hạnh phúc, phụ nữ nên lãnh đạo bằng yêu thương. Chỉ lãnh đạo bằng yêu thương mới giành được thành công và tìm được hạnh phúc. Bí quyết lãnh đạo bằng yêu thương là biết cách gây ảnh hưởng với chồng, có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng về hạnh phúc, có khả năng truyền động lực cho chồng hiểu điều vợ nghĩ, ủng hộ việc vợ làm và cùng vợ phấn đấu để đạt được mục tiêu hạnh phúc. Phụ nữ không có nhiều thời gian. Ly hôn rồi nhọc nhằn lên chiếc thuyền khác để bắt đầu lại hành trình đi tìm hạnh phúc đầy cam go, thử thách ư?… Vậy sao không tìm cách bán ước mơ của mình cho đối tác chồng hoặc vợ một cách thông minh nhất?

Theo: Duyên Vũ – Báo Giáo dục và thời đại

Link bài viết: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/ly-hon-hay-o-lai-3944628-b.html

Scroll to top