Khi con gái lấy chồng về nhà chồng, cuộc sống có đôi chút khác biệt so với khi ở nhà mẹ đẻ. Bởi mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu và mẹ đẻ con gái thực sự không hề giống nhau
Tuy rằng không phải ai cũng rơi vào tình cảnh mẹ chồng nàng dâu khi về nhà chồng, nhưng mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu vẫn luôn là đề tài nóng được xã hội quan tâm. Cùng chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh tìm hiểu quan điểm về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu và mẹ đẻ con gái qua bài viết sau đây
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Sự khác biệt qua lời nói dành cho con gái
Khi bạn còn độc thân, ắt hẳn dù mẹ có nuông chiều, thương yêu đến mấy cũng không khỏi những lần rầy la, giáo dục của mẹ. Tuy nhiên, chẳng mẹ nào mà nỡ trách mắng, la rầy con mình thái quá cả. Có chăng đó là những bài học kinh nghiệm để con mình làm hành trang vững bước trên đường đời. Vì vậy, cho dù có bị mẹ mắng, con gái cũng sẽ chẳng thấy ấm ức lâu, thậm chí lúc nhỏ sau mỗi lần dạy dỗ, con gái còn được mẹ yêu quý ôm vào lòng dỗ dành. Lớn lên rồi, đặc biệt là lúc đã thành gia lập thất, thật sự muốn được nghe một lời rầy la của mẹ cũng hiếm khi có cơ hội.
Nhưng với mẹ chồng lại tồn tại nhiều quan điểm trái chiều. Hiện nay có một số người cho rằng con dâu ngày nay lấy chồng sướng hơn cả khi ở nhà, bởi được mẹ chồng yêu thương, không một lời mắng nhiếc vì sợ con dâu mất lòng, những người khác vẫn bảo toàn quan điểm mẹ chồng nàng dâu ngày càng trở nên gay gắt và đỉnh điểm của xung đột là lời qua tiếng lại từ hai phía nhân vật chính. Chung quy lại phận làm dâu dù sướng dù khổ, những lời nói của mẹ chồng dành cho mình chẳng bao giờ giống như mẹ đẻ cả. Hãy chuẩn bị tinh thần là hãy sống thật tốt như lời mẹ dặn, mẹ chồng sẽ không đủ bao dung để bao che hết mọi sai lầm của bạn đâu.
2. Phong cách nấu ăn
Chẳng riêng gì mẹ chồng với mẹ đẻ, mà mỗi người đều có một phong cách nấu ăn và gu ẩm thực riêng. Việc làm hài lòng mọi người vốn dĩ là điều không thể. Tuy nhiên khi ở nhà với mẹ, dù bạn vụng về, bất cẩn vẫn có mẹ hỗ trợ, giúp đỡ. Lắm cô con gái quá được nuông chiều nên thậm chí nấu những món đơn giản cũng không biết, bởi ở nhà đã có mẹ lo lắng tất cả rồi còn đâu.
Về nhà chồng rồi, hiếm khi có mẹ chồng nào chịu kiên nhẫn dạy lại con dâu từ đầu đến cuối. Nếu bạn làm không tốt, nếu may mắn sẽ được mẹ chồng góp ý cải thiện, còn không có thể bạn ngay lập tức mất đi sự tín nhiệm của người trong nhà. Chưa kể đến, nhiều gia đình xảy ra xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng chỉ từ bữa ăn mà ra. Là con gái, ít nhất cần biết một ít nữ công gia chánh để khi về nhà chồng rồi có thể ngẩng cao đầu và được người trong nhà nể phục.
3. Chăm sóc con cái
Cùng là phụ nữ, ai cũng đã từng làm mẹ, vì vậy với con dâu mà nói ít nhiều có sự đồng cảm. Nhất là trong giai đoạn con dâu “vượt cạn”, cả mẹ chồng và mẹ đẻ đều thật sự sốt sắng đón chào thành viên mới chào đời. Một người con gái có thể nhận được sự quan tâm chăm sóc đến từ cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng thì thật là có phước.
Nhưng dân gian tồn tại một quan niệm “cháu bà nội, tội bà ngoại” cũng quả thật chẳng sai. Bản thân người con gái khi sinh nở, 10 phần lo lắng của mẹ chồng thì hết 9 phần là dành cho đứa cháu mới sinh, bởi với họ, sinh con là bổn phận, cũng là thiên chức mà đạo làm dâu bắt buộc phải làm được, đó là lẽ thường tình. Chỉ có mẹ đẻ là thật sự thấu hiểu và đau đớn cho nỗi đau mà con mình gánh chịu, bởi tình thương mẹ dành cho con vượt qua mọi quy luật tự nhiên.
4. Mục đích của sự quan tâm chăm sóc
Yêu thương chăm sóc con cái là bản năng của mọi người mẹ, vì vậy bạn đón nhận tình thương yêu vô điều kiện của mẹ mình là điều đương nhiên và không cần biết lý do vì sao ngườ ấy lại yêu thương mình nhiều đến như vậy. Vậy đặt trường hợp người yêu thương bạn không phải là người cùng máu mủ huyết thống với bạn, bạn có hỏi lý do tại sao?
Trong trường hợp này, mẹ chồng là một ví dụ rất điển hình. Một người mẹ chồng tâm lý sẽ vẫn hết lòng yêu thương con dâu như con gái mình, đó là một sự may mắn, nhưng có bao giờ bạn đặt câu hỏi tại sao ngươi ấy lại tốt với mình? Suy cho cùng mẹ chồng chẳng phải người thân thích máu mủ gì, nhưng con dâu lại là người mà con trai mình yêu quý, lại là người trực tiếp chăm sóc cho những đứa cháu kháu khỉnh của mình và bản thân tương lai khi đã già yêu của mẹ chồng, vì vậy tốt với con dâu lúc còn trẻ, lúc về nhà mong sẽ nhận được sự hiếu thuận từ con. Đây chính là mục đích của sự yêu thương. Lắm người mẹ chồng lại chẳng nghĩ được sâu đến như vậy, một lòng ích kỷ không quan tâm đến người con mới trong gia đình bởi họ chẳng cho rằng yêu thương con dâu sẽ có lợi gì cho bản thân. Đây cũng là một nhóm quan điểm riêng.
Cuối cùng dù quan niệm về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu và mẹ đẻ con gái có nhiều khác nhau, dù cách đối xử, tình cảm, lời nói,.. dành cho con là thật hay có mục đích, phận làm con làm dâu đều cần hiếu kính và chăm sóc gia đình, hoàn thành thiên chức của người phụ nữ là giữ lửa cho gia đình được hạnh phúc.