Tuyệt chiêu chinh phục mẹ chồng: Cho đi và nhận lại

Tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu dù không phải là tình mẫu tử ruột thịt nhưng vẫn là tình thân. Biết cho đi, bạn sẽ được nhận lại xứng đáng.

Cho đi yêu thương, rồi sẽ nhận lại được yêu thương, chân lý này ai cũng hiểu. Tương tự khi áp dụng với tình cảm mẹ chồng nàng dâu, cho đi và nhận lại trở thành ngôn ngữ của loại tình cảm này. Cùng tìm hiểu tuyệt chiêu chinh phục mẹ chồng bằng cách cho đi và nhận lại nhé!

1. Cho đi sự tôn trọng, nhận lại sự tôn trọng

Mạnh tử có nói “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”, câu nói này quả không sai. Áp dụng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, triết lý này càng đúng hơn cả.

Mẹ chồng là người sinh thành và nuôi nấng người đàn ông của đời mình, tại sao không thể dành cho bà sự kính trọng đáng có? Từ công việc nhà cửa đến chăm sóc con cái, từ kiếm tiền đến làm nội trợ, mẹ chồng đều đảm đương tốt và có vốn kinh nghiệm phong phú, vì vậy kính trọng bà chẳng có gì là sai cả.

Thực tế cho thấy trong đời sống hiện tại, mẹ chồng và nàng dâu lắm lúc xảy ra mâu thuẫn do nguyên nhân bất đồng ý kiến. Nhưng ít ai ai trong số họ lựa chọn sự tôn trọng vào ý kiến của đối phương để giải quyết vấn đề, thay vào đó là phủ định ý kiến đối phương để mình được thắng thế. Bạn là con dâu, thật khó có thể khiến bậc trượng bối tôn trọng mình trước, vậy hãy tôn trọng người, rồi dần người sẽ tôn trọng mình.

2. Học cách lắng nghe, nhận lại thấu hiểu

Có bao giờ trong cuộc sống, bạn gặp những khó khăn, thử thách, buồn bã, thất vọng,…? Những cảm xúc tiêu cực ấy, không chỉ riêng bạn mà ai cũng đều phải trải qua, không chỉ một lần trong đời. Những lúc như vậy, có phải bạn rất cần một lời động viên, một cái ôm tiếp thêm sức mạnh, hay chỉ đơn giản là một người chịu khó lắng nghe những khúc mắt của bạn? Mẹ chồng cũng sẽ như vậy đấy.

Thân là người làm mẹ, làm bà, mẹ chồng lắm lúc cũng gặp phải những trường hợp khiến bà căng thẳng, buồn rầu, hãy tinh ý nhận ra và đến bên bà, trao bà một cái ôm, đặc biệt lắng nghe mẹ chồng chia sẻ những điều khiến bà bạn lòng. Dần dần bà sẽ hiểu tình cảm mà con dâu dành cho bà là chân thật, sẽ có lúc bạn rơi vào tình huống đó, có mẹ chồng ở bên thì tốt biết bao.

3. Cho đi chia sẻ, nhận lại sẻ chia

Tương tự như trường hợp trên, khi bản thân cần có người ở bên cạnh, hãy tăng cường chia sẻ. Rất nhiều người chọn cách im lặng, một mình chịu đựng nỗi buồn, để rồi khi không chịu đựng được lại không dưng đi bộc phát với những người mà mình thương yêu. Để không phải mất đi hòa khí gia đình chỉ vì lý do này, hãy tăng cường chia sẻ, chẳng phải đều là người thân sao, đâu cần phải ngại ngùng chia sẻ. Mẹ chồng là đối tượng chia sẻ rất thích hợp.

Thứ nhất, mẹ chồng cùng bạn đều là phận làm dâu, ít nhiều có sự thấu hiểu về vai trò của nhau. Những trọng trách to nhỏ mà bạn phải gánh vác trong gia đình nhỏ của mình, mẹ chồng bạn đều từng trải qua và thấu hiểu cảm giác đó hơn bất kỳ ai trong gia đình.

Thứ hai, mẹ chồng cũng là phụ nữ, lại là một người phụ nữ từng trải, người hiểu hơn ai hết những khó khăn cực nhọc mà phụ nữ phải gánh chịu trong gia đình, những thiệt thòi mà phận nữ nhi khi sinh ra đã phải chịu đựng. Vì vậy mẹ chồng càng dễ đồng cảm với bạn.

Không những thế, chia sẻ với mẹ chồng cũng là cách để kéo gần khoảng cách của mẹ chồng nàng dâu thêm gần hơn. Việc bạn tìm đến mẹ chồng sự giúp đỡ cũng đồng nghĩa với việc bạn đặt hết sự tin tưởng vào người mẹ này vậy, sẽ khiến bạn cảm thấy mình thật có giá trị và quan trọng đối với con cái.

4. Cho đi sự quan tâm, nhận lại sự quan tâm

Sự quan tâm không nhất thiết là bạn mua cho mẹ chồng thứ gì giá trị, hay mỗi tháng gửi cho mẹ bao nhiêu tiền. Mà nó bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt mà trực tiếp như: để ý hôm nay bà muốn ăn gì, muốn đi đâu, hôm nay trong người mẹ chồng có điểm gì khó chịu, bà đang lo lắng chuyện gì,…Có thể chỉ một lời hỏi thăm từ bạn thôi cũng mua được niềm vui cả ngày cho mẹ, tại sao bạn lại không làm?

Người càng lớn tâm tính càng trở nên trẻ con, rất thích được con cái quan tâm, bởi vì họ sợ một ngày khi họ già đi, không thể giúp đỡ nhiều cho gia đình, con cái sẽ quên lãng họ. Mẹ chồng cũng vậy, dù đôi lúc có cằn nhằn, khó tính, chung quy lại cũng là để chứng minh sự tồn tại của mình trong gia đình mà thôi.

Bản thân mẹ chồng là một người mẹ, tất nhiên luôn quan tâm lo lắng cho con cái của mình. Tuy bạn là nàng dâu, nhưng điều đó cũng không ngoại lệ, chẳng qua vì hai người chưa đủ gần gũi để có thể cảm nhận tình cảm ấy. Vì vậy hãy chủ động tiếp cận, quan tâm yêu thương mẹ chồng, bạn sẽ nhận được tình cảm tương tự từ đối phương.

Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng quý giá, học cách cho đi và nhận lại, gia đình sẽ ngày một hòa thuận hơn. Ngôn ngữ của yêu thương đến từ những cử chỉ nhỏ bé mà bạn dành cho người thân trong nhà, đặc biệt là mẹ chồng.

Chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top